Phác đồ điều trị bệnh vảy nến là tài liệu quan trọng giúp các bác sĩ đảm bảo hiệu quả và chất lượng của quá trình chữa trị cho người bệnh. Thông thường có hai dạng phác đồ chính, một là theo chuẩn của Bộ Y tế, một là theo Đông y. Bạn đọc nếu đang muốn tìm hiểu về chủ đề thú vị này thì đừng bỏ lỡ bài viết sau đây!
Bệnh vảy nến được chẩn đoán thế nào?
Bệnh vảy nến thường gây ra các mảng da đóng vảy, mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu kéo dài trong nhiều ngày. Bệnh có đặc điểm phân bố đối xứng, nhất là với các tổn thương da nằm ở khủy tay, đầu gối, rốn, mông và bộ phận sinh dục. Trong một số trường hợp, vảy nến còn có thể hình thành nên những mụn mủ màu trắng đục.
Về cơ bản, chẩn đoán vảy nến gồm hai thủ tục: Kiểm tra triệu chứng bên ngoài và xét nghiệm chuyên sâu. Với kiểm tra triệu chứng ngoài da, tùy vào loại vảy nến mà các dấu hiệu sẽ có sự khác biệt:
- Vảy nến thể mảng (tên khoa học: Plaque-type psoriasis): Mảng da đỏ hồng, dày, lớp vảy màu bạc trắng.
- Vảy nến hình giọt (tên khoa học: Guttate psoriasis): Các mảng da gồ ghề hình giọt nước, có màu hồng nhạt đến cam, đóng vảy, xuất hiện chủ yếu trên thân thể.
- Vảy nến mủ (tên khoa học: Pustular psoriasis): Các mảng da nổi mụn mủ trắng, sần sùi, tập trung chủ yếu ở lòng bàn chân, bàn tay, sốt nhẹ, buồn nôn.
- Vảy nến đỏ (tên khoa học: Erythrodermic psoriasis): Tình trạng da phát ban đỏ, đau nhức dữ dội, đóng vảy toàn thân. Đây là dạng bệnh hiếm gặp.
Sau khi đã tiến hình xem xét biểu hiện bên ngoài, các bác sĩ có thể yêu cầu thêm sinh thiết mô nếu cần thiết. Thông thường, xét nghiệm chuyên sâu sẽ giúp việc xây dựng phác đồ điều trị chính xác và hiệu quả hơn.
Phác đồ điều trị bệnh vảy nến theo Bộ Y tế
Phác đồ điều trị chính quy từ Bộ Y tế được xây dựng chi tiết, cụ thể với các mục dưới đây:
- Chẩn đoán lâm sàng
Chẩn đoán lâm sàng thường dựa vào biểu hiện bên ngoài của người bệnh, từ đó phỏng đoán một số khả năng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng mẩn ngứa.
- Với vảy nến thể mảng: Nguyên nhân có thể do stress, căng thẳng tâm lý, chấn thương, nhiễm trùng, chứng khô da xerosis. Chẩn đoán phân biệt với viêm da dị ứng, viêm da kích ứng, u lympho tế bào chữ T, vảy phấn đỏ nang lông, viêm da tiết bã.
- Vảy nến hình giọt: Nguyên nhân chủ yếu do vi khuẩn liên cầu streptococcal. Chẩn đoán phân biệt với vảy phấn hồng, giang mai giai đoạn thứ phát và phát ban do thuốc.
- Vảy nến mủ: Nguyên nhân thường do căng thẳng tâm lý, nhiễm trùng hoặc tác dụng phụ của thuốc. Chẩn đoán phân biệt với da mụn mủ dưới lớp sừng, chàm bội nhiễm.
- Với vảy nến đỏ: Nguyên nhân giống với vảy nến mủ. Chẩn đoán phân biệt với viêm da xuất huyết, u sùi thể nấm và vảy phấn đỏ nang lông.
- Tiến triển và biến chứng của vảy nến
Thời gian ủ bệnh của vảy nến thường ngắn, bên cạnh đó là thời gian phát bệnh kéo dài. Tùy thuộc vào môi trường sống cũng như chế độ chăm sóc và thể trạng bệnh nhân, vảy nến sẽ có mức độ tiến triển khác nhau. Đặc biệt, môi trường độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho các mảng da mẩn đỏ, bong tróc phát triển mạnh mẽ hơn.
Nếu kéo dài không điều trị, bệnh có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhất là vấn đề thẩm mỹ làn da. Trong một số trường hợp người bệnh bị vảy nến đỏ toàn thân, các biến chứng như lở loét, ung thư da, nhiễm trùng đa bội, co cứng xương khớp, tê mỏi,…tiềm ẩn nguy cơ rất cao.
- Lộ trình điều trị
Lộ trình điều trị được chia thành hai quy trình. Quy trình thứ nhất là dùng thuốc hoặc các biện pháp kỹ thuật ngoài da để ngăn chặn vảy nến phát triển lan rộng và hồi phục làn da bị tổn thương. Quy trình thứ hai là chăm sóc sau điều trị với mục đích phòng ngừa tái phát bệnh.
Tùy vào mức độ tổn thương của làn da mà các bác sĩ sẽ tiến hành kê đơn và chỉ định phương pháp điều trị cụ thể. Thông thường, nếu các mảng vảy nến chiếm dưới 30% diện tích da toàn thân, thuốc bôi ngoài tại chỗ là lựa chọn hàng đầu. Với trường hợp tỷ lệ thương tổn hơn 30%, điều trị can thiệp bởi thiết bị chuyên dụng sẽ được yêu cầu.
- Các biện pháp điều trị
Các biện pháp chữa trị vảy nến thường được áp dụng gồm có:
- Thuốc corticoid tại chỗ: Corticoid tại chỗ là phương pháp phổ biến nhất trong điều trị vảy nến. Thuốc có công dụng chống viêm và chống tăng sinh, chia làm 4 liều cụ thể: thấp, trung bình, cao và cực mạnh. Các dạng bào chế chính gồm thuốc mỡ, lotion và kem bôi.
- Thuốc calcipotriene: Calcipotriene ức chế sự tăng sinh tế bào biểu bì, phục hồi và cải thiện làm da bị tổn thương. Tác dụng của thuốc khá chậm, thường mất từ sáu đến tám tuần. Bác sĩ thường kết hợp liệu trình gồm cả corticoid tại chỗ và calcipotriene.
- Nhựa than đá: Nhựa than đá không phải một loại thuốc, nhưng nó là thành phần cần thiết trong các loại dược phẩm điều trị vảy nến. Tác dụng chính của nhựa than đá là ngăn chặn sự tổng hợp DNA của biểu bì, từ đó giúp cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa vảy nến lan rộng hơn. Nhựa than đá được bào chế trong nhiều dạng dược phẩm, ví dụ như thuốc mỡ, kem dưỡng, dầu gội đầu, sữa tắm,…
- Anthralin và tazarotene: Nếu như việc sử dụng các loại thuốc kể trên không đem lại hiệu quả, các bác sĩ có thể tiến hành kê thêm đơn thuốc anthralin và tazarotene. Hai loại thuốc này thích hợp dùng với bệnh nhân vảy nến mảng lớn, diện tích da tổn thương nhiều và có lớp vảy sừng dày.
- Quang trị liệu: Hiện nay có hai liệu phát quang trị liệu phổ biến là UVB và PUVA. Đây đều là hai phương pháp có hiệu quả cao, ít tác dụng phụ nhưng cần duy trì lâu dài.
Phác đồ điều trị bệnh vảy nến với Đông y
Phác đồ điều trị theo Đông y không phân chia cụ thể như phác đồ y học hiện đại. Thông thường, loại phác đồ này gồm có:
- Chẩn đoán nguyên nhân
Đông y là nền y học có lịch sự hình thành và phát triển hàng ngàn năm. Nguyên lý chính của Đông y coi cơ thể con người gồm năm yếu tố ngũ hành và dòng năng lượng chính là “khí”. Một khi dòng “khí” bị tắc nghẽn, nó có thể khiến con người phát sinh bệnh tật.
Theo Đông y, vảy nến là bệnh xảy ra về mùa lạnh, khi tiết trời hanh khô. Nguyên nhân thường do nhiệt độc, phong hàn, huyết ứ trệ,…
- Điều trị
Tùy vào nguyên nhân mà bài thuốc điều trị sẽ khác nhau nhưng thông thường gồm hai loại chính là thuốc uống và thuốc ngâm rửa bên ngoài.
- 1. Bài thuốc trị vảy nến do nhiệt độc: Thạch cao, đan bì, tử thảo, sinh địa, xích thược, sa sâm, liên kiều, chi mẫu, đan bì, hoàng cầm, linh dương giác, huyền sâm.
- Bài thuốc ngâm rửa vảy nến do nhiệt độc: Hoa cúc dại, mang tiêu, khô phàn và xuyên tiêu.
- Bài thuốc trị vảy nến do phong hàn: Sa sâm, ma hoàng, bạch thược, quế chi, sinh địa và quy đầu.
- Bài thuốc trị bệnh do ứ trệ khí huyết: Thỏ ty tử, hương phụ, nga truật, ô xà, trạch lan, đan sâm, trần bì, hoàng kỳ, tây thảo, lăng tiêu, tam lăng, thanh bì.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về phác đồ điều trị bệnh vảy nến. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường của làn da, bạn nên dành thời gian đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị.