Thuốc tê thường được sử dụng trong quá trình gây mê trước khi thực hiện các cuộc phẫu thuật. Dị ứng thuốc tê là hiện tượng cơ thể phản ứng lại với lượng thuốc đưa vào cơ thể. Vậy những biểu hiện của dị ứng thuốc tê là gì? Tình trạng này có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây!
Những biểu hiện của dị ứng thuốc tê
Tương tự các loại dược liệu khác, khi dung nạp thuốc tê vào cơ thể cũng có khả năng xuất hiện tình trạng dị ứng. Trong y khoa người ta gọi hiện tượng này dưới khái niệm “sốc phản vệ” – một hệ quả nguy hiểm của quá trình dị ứng. Nếu không có phương pháp y tế can thiệp kịp thời, dị ứng khi sử dụng thuốc tê có thể dẫn tới nhiều hệ lụy nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.
Khi bị dị ứng thuốc tê, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những dấu hiệu bất thường như: khó thở, nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, sốt cao, mệt mỏi, phù Quincke, huyết áp tụt nhanh,… Trong đó, những phản ứng thường gặp nhất gồm có:
- Nổi mề đay: Đây là biểu hiện đầu tiên cơ thể phản ứng lại với thuốc. Tình trạng này có thể xuất hiện ngay sau khi tiêm thuốc tê vào cơ thể. Một số trường hợp vài ngày sau khi hết thuốc tê mới bộc phát triệu chứng này. Khi nổi mề đay, da của người bệnh sẽ ửng đỏ, nóng ran và ngứa.
- Phù Quincke: Cũng là một dạng mề đay nhưng chúng sẽ xuất hiện thành mảng rộng. Vùng da mỏng như môi, mí mắt, vùng kín hoặc họng sẽ thường gặp phải tình trạng này khi bị dị ứng với thuốc tê.
- Sốc thuốc: Cơ thể sợ hãi, nhịp tim thất thường, khó thở, mạch đập nhanh, huyết áp giảm là các biểu hiện rõ nét của sốc phản vệ do thuốc tê gây ra.
- Mất bạch cầu hạt: Khi bị dị ứng thuốc tê, người bệnh có thể bị mất bạch cầu hạt. Đặc điểm nhận biết tình trạng này là xuất hiện những vết hoại tử trên da, sốt cao, tĩnh mạch bị viêm,…
Dị ứng thuốc tê có nguy hiểm không? Bao lâu thì khỏi?
Sau khi đánh giá các triệu chứng lâm sàng của bệnh, có thể thấy rằng dị ứng thuốc tê là tình trạng nguy hiểm. Kể cả khi sử dụng thuốc tê bôi ngoài da hay tiêm trực tiếp vào bên trong cũng có thể gây ra dị ứng. Mặc dù đây không phải hiện tượng thường xuyên xuất hiện trong quá trình dùng thuốc nhưng nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh.
Thậm chí, từng có những trường hợp đã bị tử vong do không có biện pháp y tế can thiệp kịp thời khi bị dị ứng với thuốc tê. Vì thế, nếu quá trình dùng thuốc, bạn nhận thấy cơ thể có bất kỳ phản ứng khác thường nào thì hãy thông báo cho bác sĩ ngay lập tức.
Với câu hỏi dị ứng thuốc tê diễn ra trong bao lâu thì câu trả lời là không có thời gian chính xác. Tình trạng này sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố như cách điều trị, mức độ nghiêm trọng, cơ địa mỗi người. Nếu tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ thì sức khỏe người bệnh sẽ mau chóng phục hồi.
Phân biệt dị ứng và ngộ độc thuốc tê
Nhiều người bệnh thường cho rằng dị ứng và ngộ độc thuốc tê là một. Thực tế những phản ứng nhận biết của hai hiện tượng này có phần tương tự nhau. Để phân biệt ngộ độc thuốc tê với dị ứng, người ta thường căn cứ vào biểu hiện của hệ tuần hoàn và cơ quan thần kinh. Cụ thể khi bị ngộ độc thuốc tê, người bệnh sẽ cảm thấy:
- Tê/ đắng quanh miệng, vị giác bất thường, hoa mắt, chóng mặt.
- Co giật cơ hoặc toàn thân, ngủ mơ màng hoặc có thể ngừng thở.
- Huyết áp tăng (ở dị ứng thuốc tê là huyết áp giảm), ngưng tim.
- Không có biểu hiện trên da (đây là căn cứ phân biệt chuẩn xác nhất).
Như vậy dị ứng thuốc tê và ngộ độc thuốc tê là hai tình trạng hoàn toàn không giống nhau. Mỗi phương pháp sẽ có hướng điều trị riêng. Trong phần tiếp theo, mời bạn cùng tìm hiểu biện pháp phục hồi sức khỏe khi bị dị ứng với thuốc tê.
Cách điều trị dị ứng thuốc tê
Dị ứng khi sử dụng thuốc tê nếu không phát hiện và can thiệp đúng cách, nhanh chóng sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Để điều trị bệnh đúng cách, một số phương pháp phổ biến áp dụng bao gồm:
- Đảm bảo làm thông thoáng đường thở bằng cách cung cấp oxy tự nhiên cho cơ thể. Quá trình này sẽ giúp hạn chế, ngăn ngừa tối đa khả năng xảy ra hiện tượng rối loạn nhịp tim hoặc co giật.
- Nếu bệnh bị co giật, các bác sĩ có thể sẽ cần tiêm trực tiếp benzodiazepin vào tĩnh mạch của họ.
- Trường hợp bệnh nhân có biểu hiện suy tim sẽ được truyền dịch và kết hợp uống ephedrin hoặc adrenalin.
- Để kiểm soát bệnh, sử dụng lipid 20% cũng là một cách hữu hiệu. Với những người nặng trên 70kg thì liều lượng sử dụng lipid 20% hợp lý là 100ml trong vòng 2 – 3 phút. Bệnh nhân nặng dưới 70kg thì liều lượng giảm còn 1.5ml/kg.
Hướng dẫn phòng ngừa dị ứng thuốc tê
Dị ứng thuốc tê là một phản ứng nguy hiểm. Do đó, người bệnh nên có những biện pháp phòng ngừa trước như sau:
- Không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Chỉ chọn mua thuốc tại những hiệu thuốc uy tín.
- Khi mua thuốc, cần xem xét kỹ thành phần, nguồn gốc và chất lượng thuốc.
- Dùng thuốc tuân thủ theo đúng liều lượng, cách sử dụng của dược sĩ.
- Trẻ em khi dùng bất kỳ loại thuốc nào cần có sự giám sát chặt chẽ của người lớn. Tuyệt đối không để trẻ dùng thuốc bừa bãi.
- Khi sử dụng thuốc Tây y nên chú ý hỏi kỹ bác sĩ về những thực phẩm/ các dược liệu kiêng kỵ để tránh những phản ứng khác thường khi chúng kết hợp với nhau.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi nghi ngờ cơ thể bị dị ứng trong quá trình dùng thuốc tê tại nhà.
Tổng kết lại, dị ứng thuốc tê được đánh giá là tình trạng nguy hiểm và gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe. Vì thế việc phòng ngừa, phát hiện và điều trị kịp thời bệnh là rất cần thiết. Hy vọng bài viết đã đem lại cho bạn những thông tin hữu ích về tình trạng này.
Theo : EHIB