Dị ứng hải sản là các phản ứng bất thường của cơ thể với các thành phần dinh dưỡng có trong hải sản. Đây là dạng dị ứng thực phẩm không hiếm gặp nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về dạng bệnh lý này khiến cho việc phòng ngừa và điều trị gặp nhiều khó khăn.
Hải sản là nhóm thực phẩm có tính dị ứng cao hàng đầu, nhất là các loại hải sản giàu đạm như: Cua biển, tôm, nghêu, hàu,…Vì vậy, dị ứng với hải sản là dạng dị ứng thực phẩm khá phổ biến, có thể gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Đây là phản ứng của cơ thể khi nhầm tưởng protein có trong hải sản dung nạp trong bữa ăn là dị nguyên có hại. Khi đó, cơ thể sẽ tăng cường sản sinh ra các kháng nguyên IgE và giải phóng histamin vào tế bào da, niêm mạc hệ tiêu hóa và hệ hô hấp của người bệnh.
Thông thường, triệu chứng của bệnh sẽ xảy ra sau khoảng vài phút đến vài chục phút các bạn dùng hải sản. Dấu hiệu bệnh có sự khác nhau rõ ràng giữa từng người. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đều gặp phải các phản ứng chung là sự phóng thích chất histamin vào tế bào da và niêm mạc hệ tiêu hóa, đường hô hấp gây ngứa ngáy khó chịu.
Nguyên nhân dị ứng hải sản
Các nguyên nhân gây dị ứng hải sản cho đến nay vẫn chưa được khẳng định chính xác. Tuy nhiên, thông qua nhiều nghiên cứu, các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa cho biết, hiện tượng này có thể khởi phát từ một số yếu tố nguy cơ như:
- Yếu tố di truyền: Trong gia đình có người có tiền sử mắc bệnh hen suyễn, dị ứng thực phẩm, viêm mũi dị ứng,…thì thế hệ sau sẽ có nguy cơ cao bị dị ứng hải sản.
- Suy giảm chức năng tiêu hóa: Khi cơ quan tiêu hóa làm việc không hiệu quả, quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng không tốt sẽ khiến cho các protein lắng đọng lại và gây dị ứng.
- Yếu tố tuổi tác: Trẻ em và người cao tuổi là nhóm tuổi dễ bị dị ứng hải sản hơn cả. Bởi hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, còn với người cao tuổi thì cơ thể đã bắt đầu lão hóa, hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả cũng dễ bị dị ứng hải sản.
Dấu hiệu nhận biết dị ứng hải sản
Mọi người có thể nhận biết dấu hiệu bệnh qua các triệu chứng sau:
- Tổn thương ngoài da: Phát ban, nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, vùng da tổn thương thường là ở mặt, ngực, cổ, lòng bàn tay, lưng, nổi mụn nhọt, lở loét, phù nề,…
- Tổn thương hệ hô hấp: Ngứa rát cổ họng, có triệu chứng như cảm cúm (ho, sốt, chảy nước mũi, khó thở,..), ù tai, khó thở, ngất xỉu,…
- Rối loạn tiêu hóa: Tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa,…
Dị ứng hải sản gây nguy hiểm như thế nào?
Hầu hết hiện tượng dị ứng với hải sản không gây ra nhiều tác động xấu cho sức khỏe. Các trường hợp dị ứng nhẹ có thể biến mất sau một thời gian sơ cứu và điều trị đúng cách. Tuy nhiên nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể dẫn đến sốc phản vệ, suy hô hấp, thậm chí là khiến người bệnh tử vong.
Sốc phản vệ xảy ra khi người bệnh bị nổi mề đay dạng nghiêm trọng với các biểu hiện như: Phù nề mặt, sưng mắt, khó thở, ngất xỉu,…không được cấp cứu kịp thời dẫn đến suy hô hấp, tử vong. Sốc phản vệ thường xảy ra khi dị ứng hải sản bị tái phát nhiều lần, không có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Ngoài ra, khi bệnh không được quan tâm điều trị còn làm tăng nguy cơ bùng phát các bệnh lý về viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm da tiết bã nhờn, viêm da cơ địa,….Vì vậy người bệnh không nên chủ quan với dạng bệnh dị ứng này.
Hướng dẫn xử lý dị ứng hải sản tại nhà
Khi nhận thấy các dấu hiệu bị dị ứng hải sản, mọi người cần xử lý triệu chứng bệnh theo các phương án sau:
Loại bỏ các dị nguyên gây bệnh
Sau khi dùng hải sản và có biểu hiện dị ứng, mọi người hãy kích thích gây nôn ói thức ăn ra ngoài để giảm bớt lượng chất đạm trong hải sản có trong cơ thể. Tiếp đến bạn nên súc miệng sạch sẽ rồi uống một ly nước ấm để làm sạch họng và làm dịu triệu chứng kích ứng niêm mạc hệ tiêu hóa. Đồng thời làm loãng dị nguyên và đào thải chúng ra ngoài.
Hướng dẫn làm giảm triệu chứng ngứa da
- Chườm lạnh ở các vùng da bị mẩn đỏ, kích ứng để làm giảm mức độ sưng tấy, cảm giác bứt rứt, ngứa ngáy do dị nguyên gây ra.
- Dùng các loại kem dưỡng bôi lên vùng da bị dị ứng 2 đến 3 lần một ngày cho đến khi các triệu chứng ngoài da được thuyên giảm.
- Bột yến mạch có rất nhiều thành phần chống oxy hóa và có tác dụng sát trùng tốt như: Vitamin B3, zinc, axit ferulic,…Vì vậy, tắm bột yến mạch để làm giảm cảm giác ngứa ngáy, phù nề, sưng viêm do dị ứng hải sản khá hiệu quả.
Ngoài ra, các bạn cũng có thể làm giảm triệu chứng bệnh bằng cách tắm, rửa vùng da tổn thương bằng lá chè xanh. Bởi lá chè xanh có nhiều hoạt chất kháng viêm, sát trùng rất tốt như: polyphenol, EGCG, quercetin,…Thúc đẩy quá trình tái tạo tổn thương da, giúp kháng viêm, sát khuẩn, giảm ngứa nhanh chóng.
Bên cạnh đó, các bạn cũng cần lưu ý rằng, khi bị dị ứng hải sản, tuyệt đối không gãi hoặc chà xát mạnh lên vùng da bị tổn thương. Tránh làm do các vết thương bị lở loét, chảy máu gây nhiễm trùng, bội nhiễm, để lại sẹo xấu sau khi khỏi bệnh.
Xử lý các tổn thương thường gặp khi bị dị ứng hải sản
Trong trường hợp dị ứng hải sản gây ra tình trạng đau bụng, ngứa rát cổ, chảy nước mũi, rối loạn tiêu hóa, hắt hơi sổ mũi,…các bạn có thể xử lý như sau:
- Tắm nước ấm bằng tinh dầu tràm hoặc xoa tinh dầu tràm lên mũi để giảm triệu chứng nghẹt thở, giải tỏa căng thẳng và giúp bạn dễ chịu hơn.
- Làm giảm triệu chứng ngứa rát cổ họng bằng một cốc trà gừng hoặc một cốc mật ong.
- Sử dụng các thực phẩm dễ tiêu hóa, thực phẩm mềm trong những ngày đầu bị dị ứng hải sản để giảm áp lực cho cơ quan tiêu hóa. Hạn chế thực phẩm khó tiêu và tránh các món ăn có khả năng dị ứng cao.
Dị ứng hải sản có thể uống thuốc gì?
Nếu nhận thấy triệu chứng dị ứng hải sản ở mức nghiêm trọng, người bệnh nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn sử dụng thuốc đúng cách.
Hiện nay, một số loại thuốc có thể được dùng để khắc phục tình trạng dị ứng hải sản là:
- Thuốc Epinephrine: Loại thuốc này được sử dụng với các trường hợp dị ứng hải sản dẫn đến tình trạng sốc phản vệ, bùng phát hen suyễn. Thuốc Epinephrine có thể sử dụng dạng tiêm hoặc dạng khí dung có tác dụng phòng ngừa tình trạng co thắt phế quản, bảo vệ chức năng của cơ quan hô hấp.
- Thuốc kháng histamin dạng tổng hợp: Đây là loại thuốc có tác dụng ức chế histamin H1, giúp ngăn chặn sự phóng thích chất trung gian gây tổn thương da và niêm mạc tiêu hóa đồng thời làm giảm triệu chứng ngứa ngáy do dị nguyên gây ra.
- Thuốc chống xung huyết: Loại thuốc này được dùng khi dị ứng hải sản gây ra một số triệu chứng đi kèm như: Chảy nước mũi, viêm mũi dị ứng,….
Lưu ý: Trong mọi trường hợp sử dụng thuốc, người bệnh đều cần tuân thủ theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Trong mọi trường hợp đều không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Tránh dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Biện pháp phòng ngừa dị ứng hải sản
Dị ứng hải sản là dạng dị ứng thực phẩm khá phổ biến, tuy nhiên, mỗi người chúng ta đều có thể phòng ngừa bệnh bằng các biện pháp sau:
- Thận trọng khi sử dụng các thực phẩm có tính dị ứng cao, nhất là khi trong gia đình có người có tiền sử bị dị ứng hải sản hoặc mắc bệnh dị ứng.
- Không nên mua hải sản không rõ nguồn gốc xuất xứ, không sử dụng các loại hải sản đã chuyển màu hoặc có màu sắc khác lạ.
- Không nên ăn hải sản tái hoặc sống để phòng ngừa nguy cơ tiêu chảy, đau bụng, ngộ độc thực phẩm…..
- Trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về dị ứng hải sản để có biện pháp phòng ngừa, xử lý bệnh kịp thời.
Trên đây là một số thông tin về dị ứng hải sản và cách xử lý an toàn, hiệu quả. Hy vọng đã chia sẻ đến mọi người thêm nhiều kiến thức hữu ích. Chúc bạn đọc sức khỏe!
Theo : EHIB