Chữa mề đay bằng lá tía tô là một trong những biện pháp dân gian được nhiều người sử dụng trong thời gian gần dây. Thế nhưng cũng không ít ý kiến nghi ngờ về tác dụng thực sự của bài thuốc này. Nếu bạn đọc cũng đang có những thắc mắc tương tự thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây.
Lá tía tô chữa mề đay có hiệu quả không?
Tía tô là một trong những loại rau thơm rất quen thuộc với người dân Việt Nam trong rất nhiều món ăn thường ngày. Không những vậy, ông bà ta từ lâu còn dùng tía tô như là một vị thuốc giảm cảm, trị ngứa hiệu quả. Cũng trong thời gian gần đây, nhiều người bệnh mề đay áp dụng bài thuốc từ tía tô và nhận thấy rằng làn da có những cải thiện đáng kể. Rốt cuộc thì thực hư của vấn đề này ra sao?
Theo y học cổ truyền, lá tía tô có vị cay, mùi thơm nồng, tính ấm. Vị thuốc này quy kinh tỳ vị và phế quản, thích hợp dùng để điều trị các vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa như ngộ độc thức ăn, nôn mửa, đầy chướng cũng như cảm mạo, hen phế quản hoặc đau nhức chân tay. Bên cạnh đó, tía tô cũng thường chủ trị một số vấn đề da liễu như mẩn ngứa, chảy máu, sưng tấy, eczema và làm đẹp da.
Còn theo y học hiện đại, cây tía tô có danh pháp perilla frutescens, thuộc họ hoa môi. Trong lá tía tô có chứa tinh dầu cùng một số các hoạt chất chống viêm và chống oxy hóa như oleic, axit linoleic, limonen,…Các hoạt chất này có tác dụng giảm sưng tấy, trừ ngứa rát, lở loét và tăng cường độ đàn hồi cho làn da.
Trên thực tế, hiện nay vẫn chưa có các nghiên cứu chính thống nào liên quan đến hiệu quả trị nổi mề đay của lá tía tô, hầu hết đều xuất phát từ kinh nghiệm dân gian. Tuy nhiên, không vì thế mà những giá trị sức khỏe tuyệt vời của lá tía tô bị phủ nhận. Lời khuyên tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến từ chuyên gia trước khi sử dụng bài thuốc lá tía tô để đảm bảo an toàn đối với cơ thể.
Cách chữa mề đay bằng lá tía tô
Các cách dùng lá tía tô trị mề đay phổ biến nhất hiện nay gồm có:
Lá tía tô nấu nước chữa mẩn ngứa hiệu quả
Các nguyên liệu bạn cần chuẩn bị là: Lá tía tô, vài nhánh sả tươi, muối trắng.
Cách thực hiện như sau:
- Tía tô đem rửa sạch, để ráo nước rồi vò hơi nát. Sả cắt khúc và đập dập.
- Cho các nguyên liệu trên vào nồi, thêm vào nước lọc rồi đun cho đến khi sôi bùng lên.
- Chắt nước thuốc vào chậu, đợi nguội bớt thì thêm vào một nhúm muối trắng, hòa cho muối tan hết.
- Bạn dùng nước lá tía tô và sả để tắm hoặc cũng có thể dùng một chiếc khăn thấm nước thuốc rồi đắp lên da.
- Biện pháp này nên được thực hiện đều đặn hàng ngày.
Lá tía tô trộn dầu dừa dùng ngoài da
Trong bài thuốc này, ngoài sử dụng tía tô, bạn có thể gia giảm thêm cả dầu dừa. Dầu dừa từ lâu đã được xem như là một loại “thần dược” trong việc điều trị các vấn đề ngoài da nhờ vào hàm lượng dồi dào các hoạt chất chống viêm hiệu quả. Hỗn hợp tía tô và dầu dừa thích hợp dùng cho cả trẻ nhỏ.
Bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu: Lá tía tô, dầu dừa hâm nóng.
Cách thực hiện như sau:
- Lá tía tô sau khi rửa sạch và để ráo nước thì cho vào gối giã nát. Thêm vào một đến hai thìa cà phê dầu dừa đã hâm nóng, trộn đều tạo thành hỗn hợp.
- Dùng nước ấm và xà phòng vệ sinh sạch sẽ làn da bị mẩn ngứa trước để loại bỏ bụi bẩn và mồ hôi còn lưu lại.
- Đắp phần thuốc lá tía tô lên vùng da bị nổi mề đay, giữ nguyên trong khoảng 15 đến 20 phút. Sau đó, loại bỏ bã thuốc rồi dùng nước ấm rửa sạch lại.
- Với bài thuốc này, mỗi tuần bạn có thể áp dụng từ 2 đến 3 lần.
Trà tía tô cải thiện triệu chứng mẩn ngứa khó chịu
Bên cạnh các cách sử dụng ngoài da, bạn cũng có thể thử áp dụng trà tía tô trong điều trị mề đay. Bài thuốc này không chỉ giúp bạn cải thiện nhanh chóng tình trạng ngứa ngáy, sưng tấy khó chịu mà còn giúp lưu thông khí huyết, giảm đầy chướng bụng hiệu quả.
Các nguyên liệu cần có: Lá tía tô, nước sôi.
Cách chế biến như sau:
- Lá tía tô bạn nên chọn đầu búp và những lá còn non. Sau đó, đem tía tô rửa sạch, để thật ráo nước và tiến hành sao khô trên chảo nóng.
- Sau khi sao khô, phần trà này có thể bảo quản trong lọ thủy tinh đậy kín ở nhiệt độ phòng, tránh ánh nắng trực tiếp và độ ẩm cao.
- Mỗi lần dùng, bạn lấy khoảng 1 thìa cà phê trà tía tô hãm cùng với 180 đến 200ml nước sôi. Ủ trà trong khoảng 10 phút là có thể sử dụng được. Bạn hoàn toàn có thể dùng trà tía tô thay nước uống hàng ngày.
Lưu ý khi chữa mề đay bằng lá tía tô
Trong quá trình sử dụng lá tía tô trị chứng nổi mề đay, bạn cần chú ý một số các vấn đề dưới đây:
- Lá tía tô có thể gây dị ứng cho những người có làn da mẫn cảm. Vì vậy, trước khi sử dụng, bạn nên thử nghiệm một lượng nhỏ trên da trước để tránh các trường hợp xấu xảy ra.
- Các bài thuốc dân gian thường phụ thuộc vào cơ địa, đặc biệt là những bệnh lý liên quan đến da. Vì vậy, nếu bạn không nhận thấy bất kỳ sự cải thiện nào trong quá trình sử dụng, hãy ngừng dùng và đi khám lại tại bệnh viện.
- Lá tía tô không được khuyến khích sử dụng với phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai hoặc đang cho con bú. Các bà mẹ cần được sự đồng ý của bác sĩ điều trị trước khi dùng thuốc từ tía tô.
- Tía tô dạng bột chỉ nên dùng tối đa 5g đến 10g một ngày. Sử dụng quá liều có thể gây ra một số triệu chứng như buồn nôn và chóng mặt.
Hy vọng với những thông tin tổng hợp nêu trên, bạn đọc đã có thêm cho mình các kiến thức cần thiết về vấn đề chữa mề đay bằng lá tía tô. Tuy rằng hầu hết các bài thuốc thảo dược đều lành tính, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi sử dụng.
Theo : EHIB