Chàm vi khuẩn là một thể chàm không chỉ gây tổn thương da mà còn gây ra một số triệu chứng như đau nhức cơ thể, mệt mỏi, sốt, ớn lạnh. Bệnh có thể xảy ra ở tất cả các độ tuổi, vì vậy cần có những biện pháp phòng tránh, phát hiện và điều trị kịp thời. Sau đây, mời bạn cùng tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này!
Chàm vi khuẩn là gì?
Chàm vi khuẩn còn được gọi là eczema vi khuẩn. Đây là dạng chàm khởi phát do độc tố của tụ cầu, virus herpes hoặc từ nấm Trichophyton và Epidermophyton. Khi cơ thể con người phản ứng với độc tố từ vi khuẩn/nấm sẽ kích thích phản ứng tự miễn gây bùng phát bệnh. Bệnh chàm vi khuẩn thường xuất hiện trên da bị tổn thương do côn trùng cắn, nhiễm khuẩn, lỗ rò, vết bỏng, vết mổ…

Một số triệu chứng thường gặp của bệnh chàm vi khuẩn gồm:
- Vùng tổn thương da có mủ, rỉ dịch.
- Xuất hiện các đám da đỏ, kích thước nhỏ, bề mặt có mụn nước, sần sùi xung quanh khu tổn thương chính. Các mụn nước khi vỡ ra có dịch màu vàng.
- Da thường xuyên đau rát, sưng nóng, ngứa ngáy khó chịu
- Ở những trường hợp nặng, bệnh có thể gây sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, buồn nôn, ớn lạnh, chàm bội nhiễm.
- Bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể như gây hư hại da nặng nề, để lại thâm sẹo, một số ít trường hợp vi khuẩn đi sâu vào tuần hoàn máu gây nhiễm trùng máu.
Nguyên nhân gây chàm vi khuẩn
Nguyên nhân gây chàm vi khuẩn do tụ cầu khuẩn, virus herpes, nấm. Trong đó:
- Tụ cầu khuẩn (staphylococcus aureus): Thông thường tụ cầu khuẩn không gây triệu chứng khác thường trên da. Tuy nhiên khi cơ thể có những tổn thương hở, tụ cầu khuẩn có thể xâm nhập và gây nhiễm trùng, tiết độc tố. Độc tố kích thích cơ thể miễn dịch và gây tổn thương dạng chàm.
- Virus Herpes: Virus Herpes là virus có khả năng xâm nhập vào vết xước da gây chàm vi khuẩn. Virus có thể lây từ người bệnh qua người thường qua tiếp xúc dịch tiết bằng việc dùng chung vật dụng cá nhân.
- Nấm: Nấm Epidermophyton và Trichophyton là hai chủng nấm thường gặp có khả năng gây chàm vi khuẩn. Độc tố từ nấm có thể gây kích thích quá mẫn của hệ miễn dịch, cơ thể phóng histamine và gây tổn thương da.
Một số tác nhân tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Hệ miễn dịch suy yếu tăng khả năng tấn công của các loại vi khuẩn, virus
- Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, virus, vi khuẩn dễ tấn công vào da
- Vết thương hở trên cơ thể không được băng bó cẩn thận tạo điều kiện vi khuẩn, virus, nấm tấn công
- Tác dụng phụ từ các loại thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm sử dụng trong điều trị các bệnh khác.
Chàm vi khuẩn có lây không?
Khác với các loại bệnh chàm không chỉ liên quan đến yếu tố tự miễn do sự tác động của yếu tố kích thích và không có khả năng lây nhiễm. Chàm vi khuẩn lại là một loại bệnh có khả năng lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp. Các tác nhân gây bệnh virus, vi khuẩn và nấm có thể xâm nhập vào vết thương xước, vết thương hở gây nhiễm trùng.
Vì vậy, nếu bạn bị chàm bội nhiễm nên hạn chế để vùng da bệnh tiếp xúc với các vết thương hở của người khác. Ngoài ra, bệnh có thể lây lan rộng trên cơ thể người bệnh nếu không được điều trị sớm.
Thương tổn do bệnh chàm có thể xảy ra ở nhiều vị trí trên cơ thể như đầu, mặt, lưng, đùi, cơ quan sinh dục. Trong đó, chàm ở bộ phận sinh dục là một bệnh nguy hiểm có nguy cơ dẫn đến vô sinh. Mời bạn tham khảo thêm về bệnh chàm sinh dục để hiểu rõ và phòng ngừa, điều trị bệnh hiệu quả.
Chàm vi khuẩn có để lại sẹo không
Đối với chàm vi khuẩn thể nhẹ, bệnh chỉ để lại những nốt ban đỏ và có thể điều trị không để lại sẹo. Tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách bệnh chàm này có thể khiến vi khuẩn, nấm đi sâu vào hạ bì, dẫn đến hư hại da nghiêm trọng, để lại thâm sẹo vĩnh viễn.
Cách điều trị bệnh chàm vi khuẩn
Để điều trị bệnh chàm vi khuẩn hiệu quả, người bệnh cần căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh. Vì vậy, bạn cần tìm bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Thông thường một số phương pháp điều trị phổ biến gồm:
Sử dụng thuốc điều trị
- Thuốc kháng sinh: Được sử dụng trong trường hợp bệnh xảy ra do tụ cầu khuẩn hoặc liên cầu. Thông thường các loại thuốc này sử dụng liên tục trong 7-14 ngày để giảm triệu chứng gây bệnh.
- Thuốc kháng virus: Thuốc kháng virus được lựa chọn khi bệnh khởi phát do nhiễm virus. Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc dạng uống hoặc bôi.
- Thuốc kháng nấm: Được chỉ định khi bệnh khởi phát do nấm. Giúp ngăn ngừa sự phát triển của bệnh, điều trị triệu chứng hiệu quả.
- Thuốc giảm đau: Các loại thuốc giảm đau được sử dụng khi bệnh chàm vi khuẩn gây đau nhức, khó chịu cho người bệnh.
- Thuốc bôi chứa corticoid: Các loại thuốc bôi chứa corticoid giúp chống viêm, giảm ngứa, ức chế miễn dịch. Tuy nhiên loại thuốc này thường có nhiều tác dụng phụ như làm mỏng da, giãn mao mạch… Vì vậy, người bệnh chỉ sử dụng thuốc này khi có các chỉ định của bác sĩ.
- Các loại dung dịch sát trùng: Sát trùng vết thương, ức chế vi khuẩn, nấm và virus.
- Thuốc kháng histamin: Loại thuốc này được sử dụng để điều trị chàm gây ban dị ứng.
Các biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh tại nhà
Ngoài việc sử dụng thuốc bôi/thuốc uống theo chỉ định, người bệnh chàm vi khuẩn nên thực hiện các biện pháp hỗ trợ tại nhà như:
- Nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần
- Thường xuyên vệ sinh cơ thể, tắm hoặc chườm lạnh lên vùng da tổn thương để giảm ngứa, đau nhức.
- Uống nhiều nước, bổ sung nhiều rau xanh, vitamin, khoáng chất để nâng cao hệ miễn dịch.
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, thực phẩm lạ
- Tránh dùng xà phòng độ pH cao, không tiếp xúc da với môi trường hóa chất, bột giặt, các chất có khả năng dị ứng cao.
Nhìn chung, chàm vi khuẩn là một bệnh lý về da không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn dễ lây lan và nhiều biến chứng. Vì vậy, người bệnh cần đặc biệt chú ý các dấu hiệu, lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Đừng quên thăm khám sức khỏe định kỳ để phòng bệnh hiệu quả nhé!
Theo: EHIB