Bệnh vảy nến có thể gây ra không ít ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ cũng như sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hại đến tim mạch và xương khớp. Nếu bạn cũng đang quan tâm đến chủ đề này thì đừng bỏ lỡ bài viết tổng hợp dưới đây nhé!
Bệnh vảy nến là gì?
Vảy nến là tình trạng viêm da do rối loạn chức năng của hệ miễn dịch với biểu hiện là những mảng mẩn đỏ, sần sùi và đóng vảy trên da. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, nhưng phổ biến nhất là khuỷu tay, bắp chân, đầu gối, da đầu,… Tình trạng này cũng rất dễ gây ra biến chứng viêm khớp. Theo các thống kê y tế, cứ 3 người vảy nến thì có 1 người thuộc dạng bệnh vảy nến thể viêm khớp.
Bệnh ảnh hưởng đến tất cả các đối tượng, không phân biệt giới tính hay tuổi tác. Tuy nhiên, vảy nến dễ xảy ra hơn ở độ tuổi từ 15 đến 25. Ở Việt Nam, bệnh lý này được xếp vào top đầu các vấn đề da liễu phổ biến nhất, bệnh cạnh hắc lào và viêm da cơ địa.
Phân loại và biểu hiện thường gặp của bệnh vảy nến
Y học hiện đại chia vảy nến thành 7 thể bệnh khác nhau. Mỗi một dạng lại có những triệu chứng và biểu hiện bên ngoài khác nhau.
Thể bám (mảng)
Đây là dạng bệnh phổ biến nhất, cứ 10 người bị vảy nến thì có đến 8 người là thể mảng. Đặc trưng của thể mảng là các vùng da bị tổn thương mẩn đỏ có diện tích khá lớn, kèm theo đó là một lớp vảy trắng bạc.
Người bệnh cũng có thể cảm thấy ngứa hoặc nóng rát khó chịu tại những vùng bị ảnh hưởng. Thể mảng tập trung chủ yếu ở khuỷu tay, đầu gối, thắt lưng và da đầu.
Thể giọt
Thể giọt thường xảy ra ở trẻ em và thiếu niên, chiếm tỷ lệ 2% trong tổng số bệnh nhân vảy nến hàng năm. Thể bệnh này đặc trưng bởi biểu hiện là các nốt nhỏ màu đỏ hồng giống như giọt nước, phân bố rải rác trên làn da người bệnh. Khu vực “tấn công” chủ yếu của bệnh là thân mình, bắp tay, bắp đùi và da đầu.
Thể giọt thường kéo dài trong vài tuần và có thể tự khỏi mà không cần áp dụng bất kỳ biện pháp điều trị nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh diễn tiến nặng hơn, sử dụng thuốc là lựa chọn cần thiết.
Thể đảo ngược
Vảy nến thể đảo ngược có thể xảy ra ở các vị trí như nách, háng, bẹn, mông và dưới bầu ngực. Triệu chứng phổ biến của bệnh gồm có: Các mảng da mẩn đỏ nhưng trơn mịn, không đóng vảy, ngứa ngáy. Cơn ngứa thường trở nên khó chịu hơn nếu người bệnh đổ mồ hôi hoặc dùng vật dụng cọ xát vào vùng da bị ảnh hưởng.
Thể mủ
Thể bệnh này khá hiếm gặp, đối tượng chủ yếu của nó là người trưởng thành. Bệnh đặc trưng bởi các dấu hiệu như: Các nốt mủ trắng đục có kích cỡ khác nhau, bao quanh là viền da đỏ ửng, sốt, ớn lạnh, buồn nôn, yếu cơ và thở gấp. Vảy nến thể mủ không có khả năng lây nhiễm, kể cả khi tiếp xúc trực tiếp với dịch mủ.
Thể mủ thường xảy ra ở một ví trĩ cố định trên cơ thể, ví dụ như lòng bàn chân hoặc lòng bàn tay. Với các trường hợp mụn mủ lan rộng, thường được gọi là thể mủ toàn thân, cần được điều trị kịp thời không sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm.
Thể đỏ
Đây có thể xem là thể bệnh ít gặp nhất nhưng lại có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Bệnh có khả năng tấn công bất kỳ vùng da nào trên cơ thể và lan rộng rất nhanh chóng. Các triệu chứng thường gặp của vảy nến thể đỏ gồm có: Làn da ửng đỏ như bị bỏng, ngứa ngáy và đau rát dữ dội, tim đập nhanh và nhiệt độ cơ thể liên tục thay đổi.
Vảy nến thể đỏ được xếp vào tình trạng y tế nghiêm trọng, cần được điều trị kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng nguy hại đến tim mạch xảy ra.
Vảy nến móng chân/tay
Khác với các thể bệnh trên da, vảy nến móng chân/tay xảy ra ở lớp sừng. Bệnh dễ khiến móng chân/tay bị biến dạng. Theo nhiều nghiên cứu, vảy nến móng thường xảy ra ở những người vốn bị vảy nến thể viêm khớp.
Các triệu chứng phổ biến gồm có: phần móng trở nên dày hơn, móng bị rỗ và màu sắc thay đổi, đau nhức,…
Thể viêm khớp
Thể viêm khớp được hiểu đơn giản là người bệnh chịu ảnh hưởng của cả hai vấn đề: Vảy nến và viêm khớp. Vảy nến thể viêm khớp thường xảy ra ở những người bị vảy nến mãn tính, thời gian bệnh kéo dài ít nhất 10 năm.
Các triệu chứng gồm có: Đau khớp, cứng khớp vào buổi sáng sớm hoặc sau một khoảng thời gian nghỉ ngơi không vận động, các ngón chân và ngón tay sưng tấy, các khớp có cảm giác nóng rát.
Nguyên nhân gây ra vảy nến
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra vảy nến vẫn chưa được xác định. Nhiều giá thuyết cho rằng bệnh này là kết quả của quá trình thay da nhanh bất thường do hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn. Thông thường, chúng ta phải tốn từ 3 đến 4 tuần để lớp da chết bong đi và được thay thế. Nhưng ở những bệnh nhân vảy nến, quá trình này lại chí mất khoảng 3 đến 7 ngày, dẫn đến việc da chết chứa kịp bong ra sẽ tích tụ lại, gây mẩn đỏ, ngứa ngáy và đóng vảy.
Một số các yếu tố tác nhân làm tăng nguy cơ vảy nến gồm có:
- Các loại chấn thương xảy ra bên ngoài da như vết xước, vết côn trùng cắn, cháy nắng,..
- Sử dụng quá nhiều các loại rượu bia và chất kích thích, ví dụ như thuốc lá, thuốc phiện,…
- Sự thay đổi của nội tiết tố do tuổi dậy thì và tuổi mãn kinh (ở nữ giới).
- Lạm dụng các loại thuốc có dược tính mạnh trong một thời gian dài, ví dụ như thuốc trị sốt rét, thuốc chống viêm không chứa steroid, thuốc điều trị huyết áp cao,..
- Nhiễm trùng vi khuẩn liên cầu streptococcus hoặc mắc hội chứng suy giảm miễn dịch do HIV/AIDS.
Bệnh vảy nến có nguy hiểm không?
Nhiều người thường cho rằng vảy nến chỉ ảnh hưởng đến lớp biểu bì, thế nhưng điều này là không chính xác. Nếu bệnh kéo dài dai dẳng không được điều trị, nó có thể tiến triển thành một số các biến chứng như:
- Viêm khớp: Viêm khớp được xem là biến chứng phổ biến nhất của vảy nến khi ảnh hưởng đến hơn 40% ca bệnh hàng năm. Giống như viêm khớp dạng thấp, vảy nến thể viêm khớp có thể khiến người bệnh cảm thấy đau nhức dữ dội, biến dạng khớp và thậm chí là tàn tật.
- Ung thư: Trong một số trường hợp, vảy nến có thể là tác nhân dẫn đến bệnh ung thư, ví dụ như ung thư mô tế bào da, ung thư hạch và ung thư biểu mô tế bào đáy.
- Một số các vấn đề sức khỏe khác: Nếu tình trạng mẩn đỏ, đóng vảy ngoài da không được điều trị sớm, nó cũng có thể dẫn đến một số các vấn đề nguy hại với sức khỏe khác như: Xỡ vữa động mạch, bệnh tim mạch, rối loạn chức năng nội mô, rối loạn chức năng chuyển hóa, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, béo phì và tiểu đường.
Bị vảy nến phải làm gì?
Do nguyên nhân chính xác của vảy nến vẫn chưa được xác định, việc điều trị dứt điểm hoàn toàn là không có khả năng. Thay vào đó, mục đích của việc điều trị là giúp người bệnh cảm thiện các triệu chứng cũng như ngăn ngừa biến chứng xấu xảy ra.
Các biện pháp điều trị còn phụ thuộc phần lớn và thể bệnh, mức độ nghiêm trọng và vùng da bị ảnh hưởng. Dưới đây là một số các phương pháp khắc phục phổ biến nhất:
Sử dụng các loại thuốc bôi tại chỗ
Các loại thuốc bôi tại chỗ thường được áp dụng trong các trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ đến trung bình. Phương pháp này thích hợp cho tất cả các vùng da, bao gồm cả da đầu.
- Kem dưỡng ẩm: Kem dưỡng ẩm sẽ giúp làn da không bị mất nước đồng thời tạo lớp màng bảo vệ da khỏi các tác động từ môi trường xung quanh. Với các trường hợp bệnh nhẹ, kem dưỡng ẩm thường là dược phẩm được bác sĩ chỉ định đầu tiên. Bên cạnh việc cấp ẩm, kẽm dưỡng cũng giúp giảm ngứa ngáy và đóng vảy.
- Thuốc mỡ/kem bôi chứa steroid: Các loại thuốc mỡ hoặc kem bôi tại chỗ chứa steroid thích hợp sử dụng với tất cả các thể bệnh vảy nến. Nguyên lý hoạt động của thuốc là giảm viêm, giảm ngứa và làm chậm quá trình sản sinh tế bào da mới. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng loại thuốc này, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn từ bác sĩ.
- Chất ức chế calcineurin: Các chất ức chế calcineurin, ví dụ như tacrolimus và pimecrolimus thường được điều chế dưới dạng kem bôi hay thuốc mỡ. Tác dụng chính của thuốc là giảm viêm và hạn chế hoạt động của hệ thống miễn dịch. Thuốc thích hợp để sử dụng điều trị bệnh vảy nến ở các vùng nhạy cảm, gần bộ phận sinh dục.
- Hoạt chất hắc ín: Hắc ín là thành phần thường thấy nhất của các loại dược phẩm trị vảy nến thế hệ đầu. Loại dầu nặng này giúp giảm ngứa ngáy, giảm viêm và cải thiện tình trạng đóng vảy trên da. Hắc ín cũng thường được dùng kết hợp với quang trị liệu.
Sử dụng liệu pháp quang hóa
Nếu cơ thể bị ảnh hưởng quá lớn bởi vảy nến, quang trị liệu có thể sẽ được chỉ định điều trị. Liệu pháp sử dụng ánh sáng nhân tạo này bắt buộc phải được thực hiện tại các cơ sở đủ chứng chỉ và uy tín.
- Liệu pháp ultraviolet B: Liệu pháp này sử dụng các bước sóng ánh sáng mà mắt thường không nhìn thấy được. Ánh sáng tia cực tím này sẽ giúp người bệnh giảm thiểu cảm giác ngứa ngáy cũng như tình trạng da đóng vảy mất kiểm soát.
- Liệu pháp psoralen kết hợp ultraviolet A: Liệu pháp này sử dụng tia cực tím loại A, có khả năng đi sâu vào bên trong da hơn so với ultraviolet B. Vì vậy, người bệnh phải uống thuốc có chứa psoralen hoặc bôi trực tiếp psoralen lên da trước đó, vì nó sẽ giúp da nhạy cảm với ánh sáng hơn. Tuy nhiên, liệu pháp này cần được sử dụng thận trọng vì có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư da.
Sử dụng các bài thuốc dân gian
Bên cạnh việc áp dụng các phương pháp điều trị Tây y, người bệnh cũng có thể sử dụng thêm một số bài thuốc dân gian dưới đây:
- Bài thuốc từ lô hội: Chất gel lỏng có trong thân cây lô hội là một loại thuốc đặc biệt tốt với người bệnh vảy nến. Lý do là vì trong loại gel này có chứa một hàm lượng lớn hoạt chất chống viêm, giúp giảm ngứa, giảm bong tróc và ngăn ngừa đóng vảy. Người bệnh có thể tìm mua lô hội tươi, chiết lấy gel lỏng và bôi lên da hàng ngày.
- Bài thuốc từ bột nghệ: Trong bột nghệ có chứa hợp chất quý curcumin, giúp người bệnh giảm viêm sưng, mẩn đỏ và kết vảy hiệu quả. Bệnh nhân có thể sử dụng kết hợp cả đường uống và đường bôi. Với đường bôi, bệnh nhân chỉ cần kết hợp bột nghệ với dầu dừa rồi thoa lên vùng da bị ảnh hưởng hai lần mỗi ngày là được.
Chăm sóc và phòng ngừa bệnh vảy nến
Các biện pháp chăm sóc và phòng ngừa vảy nến gồm có:
- Giữ gìn vệ sinh cho cơ thể: Tình trạng ngứa ngáy, đau rát có thể trở nên tồi tệ hơn nếu người bệnh không vệ sinh cơ thể sạch sẽ hàng ngày. Bởi vì sau một ngày lao động, mồ hôi và bụi bẩn rất dễ tích tụ trên da. Người bệnh nên sử dụng các loại xà phòng handmade trong tắm rửa, vì chúng giữ được thành phần glycerin có khả năng kháng viêm và cấp ẩm hiệu quả.
- Giữ tâm lý thoải mái, thư giãn: Căng thẳng tâm lý cùng stress kéo dài cũng có thể là tác nhân dẫn đến vảy nến. Vì vậy, người bệnh cần phải giữ cho tâm lý luôn thoải mái bằng cách tham gia các hoạt động thể chất ngoài trời, nghe nhạc, đọc sách hoặc đơn giản là dành thời gian làm những điều mà bản thân yêu thích.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý: Thực phẩm cũng đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục sức khỏe của người bệnh. Các chuyên gia khuyến khích người bệnh nên tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây, thịt trắng và các loại đậu. Bên cạnh đó, cần hạn chế tiêu thụ đồ ăn cay nóng và nhiều dầu mỡ.
Trên đây là toàn bộ những thông tin hữu ích mà bài viết tổng hợp được xoay xung quanh chủ đề bệnh vảy nến. Các bệnh lý ngoài da luôn là nỗi ám ảnh đối với nhiều người. Vì vậy, bạn không nên chủ quan khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trên da mà cần dành thời gian đi thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.